Thursday, March 28, 2024
spot_img
HomeNhà đấtTìm hiểu thủ tục hóa giá nhà thuộc quyền sở hữu nhà...

Tìm hiểu thủ tục hóa giá nhà thuộc quyền sở hữu nhà nước

Thủ tục hóa giá nhà đất là thủ tục bắt buộc mà bất kì chủ thể nào muốn sở hữu bất động sản cũng đều phải thực hiện. Thủ tục hoá giá nhà là ngôi nhà đó đang thuộc quyền sở hữu và quản lý của nhà nước, nhà nước có chính sách hoá giá nhà, cơ quan có thẩm quyền làm tục và hoá giá bán căn nhà đó cho các chủ thể đang có nhu cầu sử dụng.

Vậy chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu chi tiết thủ tục hóa giá nhà đất này bao gồm những gì nhé.

1. Hồ sơ thủ tục hóa giá nhà theo quy định của Chính phủ

Hồ sơ và thủ tục hóa giá nhà, bất động sản thuộc quyền sở hữu của nhà nước theo quy định tại Điều 69, Nghị định 99/2015/NĐ-CP như sau:

  • Hồ sơ bao gồm:
  • Đơn đề nghị mua nhà ở cũ.
  • Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc có thể dùng hộ chiếu đang còn giá trị, có thể dùng thẻ quân nhân của người đề nghị mua nhà ở. Trong trường hợp là vợ chồng thì phải có thêm bản sao có chứng thực hộ khẩu gia đình hoặc giấy đăng ký kết hôn.
  • Hợp đồng thuê nhà ở hợp pháp, giấy tờ chứng minh đã nộp đủ tiền thuê nhà ở và chi phí quản lý vận hành nhà ở đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị mua nhà ở.
  • Trường hợp người có tên trong hợp đồng thuê nhà ở đã xuất cảnh ra nước ngoài thì phải có văn bản ủy quyền và văn bản này phải có xác nhận của cơ quan công chứng hoặc chứng thực theo quy định để cho các thành viên khác đứng tên mua nhà ở. Nếu có thành viên có tên trong hợp đồng thuê nhà ở đã qua đời thì phải có giấy chứng tử kèm theo.
  • Trong trường hợp có thành viên thuê nhà ở khước từ quyền mua và đứng tên trong giấy chứng nhận thì phải có văn bản khước từ quyền mua, không đứng tên trong giấy chứng nhận và cam kết không có tranh chấp, khiếu kiện về việc mua bán nhà ở này.
  • Giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền mua nhà ở (nếu có).

2. Trình tự của thủ tục hóa giá nhà theo quy định của Chính phủ

Ngoài việc chuẩn bị đầy đủ hồ sơ trong thủ tục hóa giá nhà, các chủ thể muốn sở hữu bất động sản còn phải hiểu về trình tự, thủ tục bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước. Trình tự thủ tục ấy được thực hiện như sau:

Người mua nhà ở phải nộp hồ sơ đề nghị mua nhà tại đơn vị đang quản lý nhà ở hoặc tại cơ quan quản lý nhà ở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tiếp nhận, ghi giấy biên nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ và lập danh sách người mua nhà ở. Trên cơ sở hồ sơ đề nghị mua nhà ở cũ, Sở Xây dựng tổ chức họp Hội đồng xác định giá bán nhà ở để xác định giá bán nhà ở và quyền sử dụng đất. Sau khi hội đồng xác định giá bán nhà và quyền sử dụng đất, Sở Xây dựng lập danh sách đối tượng được mua nhà ở kèm theo văn bản xác định giá bán nhà ở của Hội đồng xác định giá bán nhà ở trình cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở xem xét, quyết định.

Đối với nhà ở do Bộ Quốc phòng đang quản lý thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị hội đồng xác định giá bán nhà ở họp để xác định giá, sau đó trình Bộ Quốc phòng ban hành quyết định bán nhà ở cũ.

thu tuc hoa gia nha
Thủ tục hóa giá nhà thuộc quyền sở hữu nhà nước

Căn cứ vào báo cáo của cơ quan quản lý nhà ở, cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, ban hành quyết định bán nhà ở cũ, trong đó nêu rõ đối tượng được mua nhà ở, địa chỉ nhà ở được bán, giá bán nhà ở cũ và giá chuyển quyền sử dụng đất và gửi quyết định này cho cơ quan quản lý nhà ở, đơn vị quản lý vận hành nhà ở biết để phối hợp thực hiện ký kết hợp đồng mua bán nhà ở.

Sau khi nhận quyết định bán nhà ở cũ, đơn vị quản lý vận hành nhà ở thông báo cho người mua nhà biết thời gian cụ thể để ký kết hợp đồng mua bán nhà ở với cơ quan quản lý nhà ở. Thời gian thực hiện bán nhà ở cũ là không quá 45 ngày, kể từ ngày đơn vị quản lý vận hành nhà ở nhận đủ hồ sơ hợp lệ đến khi ký hợp đồng mua bán. Thời gian này không tính vào thời gian nộp nghĩa vụ tài chính và thời gian cơ quan có thẩm quyền thực hiện cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở.

Việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận phải gửi danh sách người mua nhà ở đã được cấp giấy và một (01) bản sao giấy chứng nhận cho Sở Xây dựng lưu để tiện theo dõi.

Trường hợp quá 90 ngày, kể từ ngày đơn vị quản lý vận hành nhà ở có thông báo thời gian ký hợp đồng mua bán nhà ở mà người mua chưa thực hiện ký hợp đồng, nếu có thay đổi về giá đất ở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành thì cơ quan quản lý nhà ở phải báo cáo với Ủy ban nhân cấp tỉnh phê duyệt giá mới trước khi ký kết hợp đồng mua bán với người mua nhà ở.

thu tuc hoa gia nha theo quy dinh cua chinh phu
thủ tục hóa giá nhà theo quy định của chính phủ

Bên cạnh đó, giá bán cũng đã được quy định tại Điều 65, Nghị định 99/2015/NĐ-CP. Giá bán nhà ở cũ áp dụng cho các trường hợp được bố trí sử dụng trước ngày 05 tháng 7 năm 1994 (kể cả nhà ở thuộc diện xác lập sở hữu toàn dân quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 63 của  Nghị định 99/2015/NĐ-CP) được tính bao gồm tiền nhà và tiền sử dụng đất (không phân biệt trường hợp mua một hoặc mua nhiều nhà ở) và được quy định như sau:

Tiền nhà được xác định căn cứ vào giá trị còn lại của nhà ở và hệ số điều chỉnh giá trị sử dụng, giá trị còn lại của nhà ở được xác định theo tỷ lệ chất lượng còn lại của nhà ở nhân (x) với giá chuẩn nhà ở xây dựng mới do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành có hiệu lực thi hành tại thời điểm ký hợp đồng mua bán và nhân (x) với diện tích sử dụng nhà ở. Đối với nhà biệt thự có nhiều hộ ở mà có diện tích nhà sử dụng chung thì diện tích sử dụng chung này được phân bổ theo tỷ lệ sử dụng nhà ở (m2) cho mỗi hộ. Đối với nhà ở cấp IV mà người thuê đã phá dỡ, xây dựng lại trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì giá trị còn lại của nhà ở này được tính bằng 0 (bằng không).

Tiền sử dụng đất khi chuyển quyền sử dụng đất cùng với việc bán nhà ở cũ được tính theo bảng giá đất ở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành có hiệu lực thi hành tại thời điểm ký hợp đồng mua bán và căn cứ vào vị trí của đất ở, tầng nhà như sau:

  • Đối với nhà ở nhiều tầng có nhiều hộ ở thì tính bằng 10% giá đất ở khi chuyển quyền sử dụng đất và phân bổ cho các tầng theo các hệ số tầng tương ứng;
  • Đối với nhà ở một tầng và nhà ở nhiều tầng có một hộ ở, nhà biệt thự có một hộ hoặc có nhiều hộ ở thì tính bằng 40% giá đất ở khi chuyển quyền sử dụng đối với phần diện tích đất trong hạn mức đất ở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cho mỗi hộ; đối với phần diện tích đất vượt hạn mức đất ở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cho mỗi hộ thì tính bằng 100% giá đất ở;
  • Trường hợp nhà biệt thự có nhiều hộ ở thì diện tích đất để tính tiền sử dụng đất của mỗi hộ bao gồm diện tích đất sử dụng riêng không có tranh chấp; diện tích đất xây dựng nhà biệt thự được phân bổ cho các hộ theo diện tích sử dụng nhà của mỗi hộ tương ứng với hệ số tầng; diện tích đất sử dụng chung trong khuôn viên của nhà biệt thự được phân bổ cho các hộ sử dụng chung (tính theo số hộ đang sử dụng nhà biệt thự). Việc tính tiền sử dụng đất của mỗi hộ được thực hiện từ phần diện tích đất xây dựng nhà biệt thự có nhiều hộ ở trước, sau đó tính các phần diện tích khác sau.
trinh tu thu tuc hoa gia nha
Trình tự thủ tục hóa giá nhà tương đối phức tạp

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quy định cụ thể việc phân bổ phần diện tích đất khi bán nhà biệt thự cho phù hợp tình hình thực tế của địa phương.

  • Đối với nhà ở riêng lẻ có khả năng sinh lợi cao tại vị trí mặt đường, phố thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hệ số k điều chỉnh giá đất so với bảng giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành để tính tiền sử dụng đất khi bán nhà ở và chuyển quyền sử dụng đất gắn với nhà ở này;
  • Trường hợp nhà ở cũ khi xây dựng có một phần tiền góp của cá nhân và của tập thể mà không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì tiền mua nhà được tính theo quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng người mua được trừ số tiền đã góp xây dựng nhà ở trước đây (tính trên tỷ lệ % số tiền đã góp so với giá trị quyết toán khi xây dựng công trình nhà ở); đối với tiền sử dụng đất thì thực hiện theo quy định tại Khoản này.
  • Trường hợp nhà ở một tầng có nhiều hộ ở và nhà ở nhiều tầng có nhiều hộ ở mà có diện tích nhà ở, đất ở sử dụng chung thì chỉ thực hiện bán phần diện tích sử dụng chung này cho các hộ đang sử dụng nếu tất cả các hộ đồng thuận được việc phân bổ diện tích cho từng hộ; trường hợp các hộ không đồng thuận được thì cơ quan quản lý nhà ở không bán phần diện tích này và có trách nhiệm quản lý theo quy định của  Nghị định 99/2015/NĐ-CP .

Trên đây là quy định về thủ tục hóa giá nhà đất mà bạn phải thực hiện khi có nhu cầu sở hữu nhà đất thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Hi vọng bài viết đã cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho bạn cho trình tự hồ sơ và thủ tục hóa giá nhà đất.

Nguyễn Xuân Hương
Hello! Mình là Xuân Hương, hiện đang đảm nhận vị trí Content Specialist tại Muaban.net. Mong rằng những bài viết của mình có thể cung cấp những thông tin hữu ích đến bạn. Enjoy your time with Muaban.net!
BÀI VIẾT MỚI NHẤT
spot_img
ĐỪNG BỎ LỠ