Thursday, April 18, 2024
spot_img
HomeChia sẻ kinh nghiệmCác món ăn cổ truyền không thể thiếu trong mâm cơm ngày...

Các món ăn cổ truyền không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết

Dù cuộc sống người Việt có hiện đại tới đâu thì Tết vẫn là dịp để tất cả mọi người về bên gia đình sum vầy và tỏ lòng thành kính hướng về ông bà tổ tiên. Bánh trưng, câu đối đỏ, dưa hành và các món ăn truyền thống ngày Tết trở nên quen thuộc với mỗi người.

Bánh chưng

Thấy bánh chưng là thấy Tết. Bánh chưng là món bánh có lịch sử lâu đời nhất trong văn hóa ẩm thực Việt Nam ngày Tết. Bánh chưng gắn liền với sự tích về các vua Hùng, và đây là thức bánh tượng trưng cho mặt đất mà hoàng tử Lang Liêu đời Vua Hùng thứ 16 đã sáng tạo ra để thể hiện lòng biết ơn với cha ông và đất trời.

banh chung 02
Sự kết hợp của vị thơm từ gạo, vị ngọt bùi của đổ kết hợp với vị béo của thịt mỡ, vị cay nhẹ của hạt tiêu trong bánh chưng sẽ mang đến những ngày Tết trọn vị

Nguyên liệu làm nên chiếc bánh chưng thể hiện và nhấn mạnh tầm quan trọng của nền văn hóa lúa nước của những ngày đất nước thuở đầu sơ khai. Gạo nếp có màu trắng trong bên ngoài, đậu xanh, thịt lợn làm nhân bên trong và được gói ghém vuông vức trong lá dong xanh rồi đem luộc chín.

Ở miền Bắc, từ khoảng giữa tháng Chạp, nhiều nhà đã giục dịch chuẩn bị đậu xanh, lá dong, gạo nếp, ống giang chẻ lạt gói bánh chưng. Ai nấy đều cố gắng chuẩn bị những nguyên liệu tốt nhất để bánh chưng nhà mình Tết đó được thơm ngon nhất.

Thường thì mỗi nhà vẫn tự gói bánh chưng trong mỗi dịp xuân về. Bánh chưng không chỉ là một món ăn truyền thống ngày Tết Việt Nam mà đó còn là một dịp để gia đình sum họp, quây quần bên bếp lửa hồng. Bên nồi bánh chưng ấm áp, các thế hệ trong gia đình kể cho nhau nghe về những điều đã qua, những dự định tương lai và bao câu chuyện khác.

Bánh tét

Nếu miền Bắc đón Tết bằng bánh chưng xanh thì người miền Nam cũng đón Tết bằng những cặp bánh tét. Như một nét văn hóa từ thuở khai hoang, gói bánh tét như một món ăn chắt chiu những gì tinh túy mà gần gũi nhất trong nông nghiệp để tạ ơn thần đất, ông bà tổ tiên… Dù gia đình có khó khăn đến mấy, cuối năm người Nam Bộ vẫn gói năm bảy đòn bánh tét để đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên, biếu cha mẹ, anh em, họ hàng và cả xóm giềng thân thiết.

banh tet 03
Mỗi cặp bánh tét là sự hội tụ những tinh túy của đất trời mang ý nghĩa may mắn, hạnh phúc

Nguyên liệu làm bánh tét cũng không khác gì bánh chưng nhưng bánh tét không vuông mà lại có hình trụ dài, nhìn khá giống cây giò lụa. Bánh dùng lá chuối để gói chứ không dùng lá dong như bánh chưng. Bánh tét thường đi theo đôi, theo cặp để khi bày cúng tổ tiên hoặc đem biếu tặng người thân với ý nghĩa may mắn, tốt lành.

Nguyên liệu truyền thống là lá chuối, gạo nếp, đậu xanh, thịt ba chỉ và tùy vào khẩu vị mỗi gia đình lại có những cách chế biến sáng tạo như bánh tét nhân chuối, nhân đậu đen, nhân thập cẩm…

Giò lụa (chả lụa)

Giò lụa được biết đến như một món ăn vừa thông dụng vừa sang trọng và thường xuyên xuất hiện trong những bữa ăn của người dân Việt Nam. Giò cũng là một món ăn truyền thống ngày Tết không thể thiếu trong mâm cơm cúng ông bà tổ tiên. Giò lụa luôn được đặt ở vị trí trung tâm và là một trong những món ăn chắc chắn phải có. Một đĩa giò, dưa hành với vài ba chéo bánh chưng là gia chủ đã có ngay món ngon mang đãi khách trong những ngày Tết.

gio lua 04
Những miếng chả lụa trắng mịn, vị ngọt, giòn dai sẽ là món ăn ngon trong mâm cơm Tết

Giò lụa truyền thống được làm từ nguyên liệu chính là thịt nạc thăn giã nhuyễn kết hợp cùng nước mắm ngon sau đó gói trong lá chuối xanh và đem luộc chín. Có ba loại giò phổ biến nhất là giò lụa, giò xào (giò thủ) và giò bò (dùng nhiều ở Tết miền Trung). Mỗi loại có mỗi hương vị thơm ngon khác nhau nhưng đều thơm ngon ai nấy đều yêu thích.

Xôi

xoi gac 05
Xôi gấc với màu đỏ tươi sẽ mang đến may mắn, thịnh vượng trong cả năm mới

Xôi là một món ăn rất phổ biến trong đời sống của nền văn hóa lúa nước với nguyên liệu chính là gạo, đỗ, lạc…được mang đi đồ hoặc hấp chín. Món xôi thường được ăn nóng, gạo chín dẻo thơm không bị nát là đạt tiêu chuẩn. Và trong dịp lễ Tết của người Việt, món xôi được ưa chuộng nhất là xôi gấc. Khi đồ xôi cùng gấc chín sẽ cho ra một màu đỏ tự nhiên rất đẹp mắt. Theo quan niệm Á Đông, màu đỏ từ xôi gấc sẽ mang lại nhiều may mắn trong năm mới.

Gà luộc

ga luoc 06
Gà luộc thật đơn giản, không quá cầu kỳ nhưng là món không thể thiếu trong mâm cơm cúng tổ tiên mỗi dịp Tết

Trong làn hương khói, mâm cơm Tất niên với đĩa gà luộc vàng ươm, đĩa xôi gấc đỏ tươi như làm cho mâm cỗ Tết đặc sắc hơn, nhiều màu sắc hơn… Và trong tất cả các mâm cơm ngày Tết không thể thiếu món gà luộc. Không cầu kỳ hay kiểu cách, gà luộc nguyên con làm cho mâm cơm thêm đầy đặn, tươm tất. Gà tượng trưng cho ý nghĩa của sự đủ đầy, phúc đức, cầu gì được nấy.

Dưa Hành

Dưa hành là món ăn đã đi vào kho tàng ca dao của người Việt “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” mỗi khi nhắc về ngày Tết. Dưa hành ăn cùng bánh chưng, thịt đông, thịt luộc… những đồ ăn béo, dễ ngấy và khó tiêu để làm tăng hương vị, lại dễ tiêu hóa thức ăn trong những ngày Tết. Món dưa hành ngon đòi hỏi những củ hành phải trắng mịn, nổi vân xanh có độ giòn và vị chua vừa phải. Theo những người có kinh nghiệm thì bí quyết làm dưa hành ngon là nhờ cách pha nước ngâm.

hanh muoi 07
Dưa hành thường được ăn kèm với bánh chưng, thịt đông sẽ mang đến cảm giác ngon miệng và là món chống ngán rất hữu hiệu trong ngày Tết

Ở miền Trung và miền Nam thay vì dưa hành thì lại có món củ kiệu muối. Tác dụng cũng giống như dưa hành của miền Bắc nhưng củ kiệu chua ngọt mang hương vị khá đặc biệt, phù hợp với ẩm thực miền Trung và Nam Bộ. Nhờ món củ kiệu mà mâm cỗ Tết ở miền Trung và Nam hấp dẫn, ngon miệng hơn rất nhiều.

Thịt đông

Thịt đông là món ăn truyền thống ngày Tết mang đặc trưng của Bắc Bộ. Trời càng lạnh, ăn món này lại càng ngon. Thịt đông thường được nấu từ thịt chân giò cùng với nấm hương, mộc nhĩ, vừa béo ngậy lại vừa thơm ngon, càng ăn càng thấy hấp dẫn. Đặc trưng của món thịt đông là phải nấu thật nhừ, đến khi có một lớp mỡ sánh trên bề mặt thì mới đạt tiêu chuẩn. Thịt đông ăn kèm một củ dưa hành, thì thật đúng nghĩa Tết miền Bắc.

thit dong
Thịt đông là món ăn đặc trưng cho khí hậu của miền Bắc. Giữa tiết trời se lạnh, thưởng thức món thịt đông sẽ mang lại cảm giác ngon miệng và hấp dẫn đến lạ

Ngược lại món thịt đông của người miền Bắc, người miền Nam lại đón Tết không thể thiếu món thịt kho tàu. Thịt lợn được lấy là phần ba chỉ ngon nhất, kho chung với trứng vịt hoặc trứng cút, Người Nam bộ coi món thịt kho tàu có ý nghĩa cho gia đình yên ấm, thịnh vượng, đó là món ăn giản dị, thân quen gắn bó với các thành viên trong gia đình.

Nem rán

Đĩa nem rán vang ươm với vị giòn rụm thể hiện hết tài hoa của người chế biến đã là món ăn quen thuộc từ Nam ra Bắc và càng không thể thiếu trong dịp Tết.

nem ran 09
Món nem rán vàng ươm, giòn tan sẽ làm mâm cơm ngày Tết thêm tươm tất

Nguyên liệu chính làm nem là thịt nạc băm nhỏ, miến, nấm hương, trứng, hành lá, giá đỗ… trộn đều cùng nhau, nêm nếm gia vị rồi đem gói vào từng chiếc bánh tráng tròn trịa và đem chiên vàng. Tùy vào khẩu vị và sở thích mà các nguyên liệu và gia vị có thể tăng giảm cho vừa miệng.

Ở miền Nam, nem rán còn có tên gọi là chả giò hay miền Trung được gọi là chả cuốn. Trong mâm cỗ Tết, món nem rán thì đó chính là món đắt khách nhất, được nhiều người yêu thích nhất.

Canh măng khô chân giò

Canh măng khô chân giò là sự kết hợp tuyệt vời giữa vị giòn, ngọt thanh của măng và giai béo của chân giò. Đây là món ăn dân dã nhưng đặc sắc thường được sử dụng cùng cơm hoặc miến. Để đem lại sự đa dạng trong mâm cơm ngày Tết, canh măng khô chân giò là món không thể bỏ qua.

canh mang 10
Bát canh măng nóng hổi, thơm lừng, béo ngậy luôn giữ một vị trí đặc biệt trong mâm cỗ ngày Tết

 Để chế biến món ăn này, phải ngâm măng trước 2 ngày, bởi đây là loại măng khô nên rất cứng và dai. Chân giò được lựa chọn là giò trước của lợn, ít thịt sau đó chặt thành miếng to và tẩm ướp gia vị. Món canh măng khô giò heo sẽ được nấu trong nhiều giờ để gia vị thấm đều và măng mềm.

Các món ăn truyền thống ngày Tết Việt Nam còn rất phong phú như mứt Tết, canh bóng thả, nộm, chân giò ngâm nước mắm, bò kho mật mía… Mỗi món ăn đều là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực gợi nhớ những hương vị khó quên để mỗi dịp Tết thực sự là dịp để ai ai cũng mong đợi.

>>> Phong tục ngày Tết ở 2 miền khác nhau như thế nào?

>>> 6 cách làm dưa món ngày Tết tại nhà giòn ngon chuẩn vị

Cloudy

Nguyễn Xuân Hương
Hello! Mình là Xuân Hương, hiện đang đảm nhận vị trí Content Specialist tại Muaban.net. Mong rằng những bài viết của mình có thể cung cấp những thông tin hữu ích đến bạn. Enjoy your time with Muaban.net!
BÀI VIẾT MỚI NHẤT
spot_img
ĐỪNG BỎ LỠ