Friday, April 19, 2024
spot_img
HomeChia sẻ kinh nghiệmNhững Bất Ngờ Thú Vị Về Phong Tục Lì Xì Ngày Tết

Những Bất Ngờ Thú Vị Về Phong Tục Lì Xì Ngày Tết

Khi nhắc đến Tết, chúng ta thường nghĩ đến chính là phong tục lì xì ngày Tết. Đây không chỉ là linh hồn của Tết mà còn là cơ hội để những người thân trao nhau những lời chúc tốt đẹp, mang đến cho nhau sự bình an, cát tường và thịnh vượng. Chúng ta nên biết đến cội nguồn và ý nghĩa thật sự của nó để có thể tiếp tục duy trì nét văn hóa đặc trưng này. Sau đây hãy cùng Mua Bán tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa cũng như những bí mật của việc lì xì ngày Tết nhé! 

Nguồn gốc và ý nghĩa của phong tục lì xì tết ngày nay

Nguồn gốc của phong tục lì xì ngày tết

Phong tục lì xì ngày Tết được nhiều người cho rằng có nguồn gốc xuất phát từ nhà Tần tại vùng đất Trung Hoa và có rất nhiều câu chuyện bí ẩn được tương truyền về sự ra đời của phong tục lì xì này. Tuy nhiên, câu chuyện lôi cuốn được mọi người kể lại nhiều nhất chính là câu chuyện về một tiểu quỷ hay xoa đầu trẻ em vào mỗi đêm giao thừa để quấy rối.

Nguồn gốc phong tục lì xì ngày Tết
Nguồn gốc phong tục lì xì ngày Tết bắt nguồn từ câu chuyện một chú tiểu quỷ chuyên sờ đầu trẻ em vào đêm giao thừa.

Ngày xửa ngày xưa, tại một vùng đất nọ, không biết tự bao giờ mà mỗi đêm giao thừa lại xuất hiện một chú tiểu quỷ với niềm vui thích hay xoa đầu trẻ con mỗi khi chúng đang say giấc nồng trong chiếc nôi xinh xắn. Và mỗi lần chú tiểu quỷ này xoa như thế, những đứa trẻ này sẽ khóc thét lên và hôm sau sốt cao trở bệnh nặng làm cho ai nấy trong nhà đều lo lắng, ăn ngủ không yên.  

Chuyện cứ xảy ra như thế, cho đến một hôm trong vùng có một đôi vợ chồng già đã ngoài 50 mới sinh hạ được một bé trai đáng yêu và kháu khỉnh. Vào dịp Tết năm đó, trong lúc 8 vị tiên đang ngao du thiên hạ thì có ghé ngang qua vùng đất này và biết được đêm giao thừa năm ấy, bé trai này sẽ bị một chú tiểu quỷ phá rối. Chính vì thế, họ đã hóa thành 8 đồng và nói với đôi vợ chồng hãy gói vào một bao đỏ và đặt cạnh đứa bé, họ ắt sẽ bảo vệ được đứa bé. 

Việc hình thành phong tục lì xì ngày Tết
Phong tục lì xì ngày Tết được hình thành từ việc đánh đuổi tiểu quỷ của 8 vị tiên, mang đến giấc ngủ ngon cho trẻ con

Đôi vợ chồng già liền làm theo lời chỉ dẫn. Đêm giao thừa năm ấy, chú tiểu quỷ phá phách đã ghé đến ngôi nhà của đôi vợ chồng già này. Và khi tiểu quỷ đến gần cậu bé, chuẩn bị thực hiện hành động quấy phá, bỗng dưng gần đấy lại phát ra ánh hào quang sáng rực, làm chú tiểu quỷ giật mình, kinh hãi và bỏ chạy. 

Kể từ lần đó, những đứa trẻ trong vùng không còn gặp tình trạng bị quấy phá như thế nữa. Đứa trẻ nào cũng an say giấc nồng vào mỗi đêm giao thừa. Và đôi vợ chồng già đem chuyện này kể cho tất cả mọi người trong vùng nghe. Dần dần, câu chuyện được lan truyền rộng rãi và từ đó việc lấy tiền bỏ vào bao đỏ tặng cho mỗi đứa trẻ ngày Tết dần trở thành một phong tục quan trọng và được biết đến là việc lì xì ngày Tết trong thời đại hiện nay.

>>> Xem thêm: Còn bao nhiêu ngày nữa đến Tết 2023? Đếm ngược tết Quý Mão 2023

Ý nghĩa lì xì ngày tết

Việc đi chúc tết để nhận lì xì là cơ hội những người thân thích gặp mặt nhau mỗi năm ít nhất một lần để hỏi thăm nhau, quan tâm nhau, cùng nhau duy trì bền vững mối quan hệ thân thích, ruột thịt. Người lớn lì xì cho trẻ con thể hiện sự quan tâm, chúc phúc, mong con cháu khỏe mạnh, học giỏi, biết cố gắng hơn,… Còn trẻ con chúc phúc người lớn thể hiện sự kính trọng, mong muốn sẽ sống cùng con cháu đến sau khi con cháu thành gia lập thất. Cho nên, phong tục lì xì ngày Tết không chỉ là linh hồn của Tết Nguyên Đán, mà còn là chất keo kết dính mọi thành viên trong họ hàng lại với nhau để mọi gia đình trở nên ấm áp và gần gũi nhau hơn, làm tăng thêm giá trị cũng như ý nghĩa ngày Tết.

Các hình thức lì xì tết phổ biến nhất hiện nay

Lì xì Offline

Mặc dù với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ cũng như sự tiến bộ vượt bậc của kỹ thuật công nghệ, văn hóa đến tận nhà chúc Tết của người Việt ta vẫn được lưu giữ, duy trì cho đến hiện nay. Và khi đi chúc Tết, việc lì xì ngày Tết chính là yếu tố không thể thiếu. Thuở sơ khai, lì xì chỉ chỉ đơn giản được làm bằng giấy đỏ đơn thuần, dần dần với tín ngưỡng cũng như cầu mong sự may mắn sẽ đến nhiều hơn với người nhận, bao lì xì được thiết kế đẹp hơn, đa dạng hơn với hình ảnh Thần Tài, những câu chúc như “Chúc mừng năm mới {YEAR}”, vạn sự như ý,… 

Lì xì ngày Tết theo hình thức Offline
Lì xì ngày Tết theo phương thức truyền thống là nét văn hóa truyền thống đáng được giữ gìn và phát huy

Hiện nay, nhiều bao lì xì đã được cách điệu thành nhiều động vật khác nhau tùy vào từng năm, viết thêm nhiều câu chúc theo trend, thậm chí đã thay đổi từ màu đỏ sang nhiều màu khác nhau. Mặc dù bao lì xì có sự thay đổi nhiều như thế nhưng giá trị cũng như ý nghĩa vốn có của nó vẫn không bị tác động. Nó vẫn là biểu tượng của sự may mắn, là lời chúc chan chứa đầy tình yêu thương, kính trọng của người trẻ dành cho người già, là sự ấm áp và mong muốn cát tường của tiền bối dành dành cho hậu bối. 

Xem thêm: 7 cách chọn trái cây tươi ngon cho ngày Tết!

Lì xì Online

Hiện nay, phong tục lì xì ngày Tết ở Việt Nam đã có sự thay đổi khá lớn, đặc biệt là kể từ khi dịch Covid 19 bùng phát một cách nghiêm trọng. Để đảm bảo sự an toàn cho mình và cho mọi người, nhiều gia đình đã chọn phương thức lì xì online kèm với câu chúc chân thành để đảm an toàn nhưng vẫn gửi đi được lời chúc phúc của mình. Bên cạnh đó, đối với nhiều gia đình có người thân phải đi nước ngoài lao động, làm việc, học tập thì việc gửi lì xì trực tiếp là điều không thể. Chính vì thế, lì xì online sẽ là hình thức kết nối giữa việc trao lời chúc, nhận may mắn tốt nhất. 

Lì xì ngày Tết theo hình thức Online
Lì xì ngày Tết Online ra đời, mang đến sự thuận tiện cho mọi người

Dù là hình thức nào đi chăng nữa, khi ta chúc bằng tất cả lòng thành, bằng tất cả trái tim thì cho dù là lời nói hay câu viết cũng không thể hiện hay bộc lộ hết được sự chân thành ấy. Hãy chọn hình thức mà bạn cho rằng phù hợp với mình nhất.

Những bí mật về phong tục lì xì ngày tết có thể bạn chưa biết 

Bao lì xì luôn có màu đỏ

Phong tục lì xì ngày Tết bằng bao lì xì đỏ
Lì xì màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, cát tường, tấn tài tấn lộc trong việc lì xì ngày Tết

Dù xã hội có thay đổi như thế nào, dù văn hóa có hội nhập đến đâu thì phong tục lì xì ngày Tết với phong bì màu đỏ vẫn sẽ là sự lựa chọn hàng đầu đối với mọi người. Bao lì xì màu đỏ ngoài việc tượng trưng cho sự may mắn, sự cát tường, sự như ý ra, còn tượng trưng cho niềm hạnh phúc và tài lộc trong suốt năm mới. Chính vì ý nghĩa lớn như thế, cho nên hiện nay mặc dù với sự xuất hiện ngày càng đa dạng màu sắc, đa dạng kiểu của bao lì xì nhưng màu đỏ vẫn chiếm được sự ưu ái lớn nhất của mọi người trong việc lì xì ngày Tết.

Ý nghĩa của từ Lì Xì

Với phong tục lì xì ngày Tết quen thuộc, có lẽ nhiều người không biết rằng lì xì có nguồn gốc là từ lợi thị (利市)trong tiếng Trung. Từ này mang ý nghĩa được lợi, được tiền, được may mắn, mang lại nhiều điều tốt đẹp cho trẻ em vào mỗi dịp đầu xuân. 

Theo âm đọc của người Quảng Đông tại Việt Nam, thì từ lì xì này lại đọc là “lì xìa” (利事), có nghĩa là lợi sự, mang ý nghĩa mọi việc đều thuận lợi, cát tường. 

Mặc dù với nhiều cách đọc khác nhau nhưng quy chung lại lì xì mang ý nghĩa của sự may mắn, sự cát tường và tượng trưng cho những điều tốt đẹp. Vì thế, việc lì xì ngày Tết cho người thân, họ hàng, đặc biệt là trẻ em được xem như một lời chúc phúc, cầu mong trong năm sẽ gặp nhiều điều may mắn, học hành, thi cử, làm ăn đều thuận lợi. Và khi càng nhận được nhiều lời chúc, mọi việc sẽ càng suôn sẻ, diễn ra một cách trôi chảy.

Nên lì xì bao nhiêu là đủ?

Với sự hiện đại hóa theo thời gian, ý nghĩa của phong tục lì xì ngày Tết cũng dần mai một đi, nhiều bạn trẻ đã coi trọng quá mức về giá trị bên trong bao lì xì thay vì những giá trị tinh thần vốn có của bao lì xì. 

Ngày trước, mọi người thường dùng tờ 500đ hoặc 10.000đ để lì xì cho nhau. Bởi vì khi đó hai tờ tiền này đều có màu đỏ với ý nghĩa sẽ mang đến sự may mắn, cát tường, thuận lợi cho người nhận. Ngày nay, mệnh giá trong bao lì xì ngày càng đa dạng hơn, thay đổi ít nhiều tùy vào vị trí, cấp bậc, tài chính của từng người. Hiện nay, bên cạnh việc nhận lì xì từ cha mẹ, nhiều bạn trẻ Việt với tài chính vững chắc cũng đã bắt đầu lì xì ngược lại cho cha mẹ để thể hiện lòng thành, sự hiếu thảo cũng như mong muốn cha mẹ dồi dào sức khỏe, sống đời mãi với con. 

Giá trị thật của phong tục lì xì ngày Tết
Phong tục lì xì ngày Tết hướng đến những giá trị tinh thần đáng quý hơn so với giá trị vật chất của đồng tiền trong bao lì xì

Đối với người Quảng Đông, việc lì xì ngày Tết với mệnh giá 20.000đ hoặc 200.000đ là việc cát lợi bởi vì số 2 trong tiếng Quảng Đông đọc là “dìa” (二), gần âm với từ “duỳa” (如) mang ý nghĩa là “duỳa dia” (如意), có nghĩa là như ý. Mong mọi chuyện sẽ trôi chảy như ý muốn. Ngoài ra, một số người cho rằng, số 2 trong tiếng Quảng Đông còn gần âm với từ “duỳa” (餘), với ý nghĩa là có dư, mong muốn người nhận gặp nhiều thuận lợi trong làm ăn, mua bán, học tập, lúc nào cũng có dư. 

Dù được nhận phong bì lì xì với mức mệnh giá nào đi chăng nữa, điều quan trọng và quý giá hơn hết vẫn nằm ở sự mong muốn người nhận sẽ gặp được nhiều may mắn trong năm mới. Như vậy, việc lì xì ngày Tết mới giữ vững và phát huy được ý nghĩa vốn có của nó.

Sự khác nhau trong phong tục lì xì tết giữa các quốc gia châu Á

Không chỉ tại Việt Nam, mà nhiều nước trên khu vực châu Á cũng có phong tục lì xì ngày Tết với những nét đặc trưng khác nhau.

Trung Quốc

Lì xì ngày Tết tại Trung Quốc
Người Trung Quốc trong tục lì xì ngày Tết có thói quen sử dụng bao màu đỏ để cả năm đều được may mắn

Khi nhắc đến việc lì xì ngày Tết, thì không thể nào không nhắc đến Trung Quốc – cội nguồn của sự hình thành nên lì xì. Lì xì trong tiếng Trung có nghĩa là hồng bao (红包), vì thế bao lì xì người Trung Quốc thường sử dụng chính là màu đỏ, thể hiện cho sự may mắn cả năm. 

Người phát lì xì sẽ cho vào bao bất kỳ mệnh giá nào trừ những mệnh giá có liên quan đến số 4. Bởi vì đối với họ, số 4 gần âm với từ tử (死) mang ý nghĩa của sự xui xẻo, việc không may. Còn đối với người nhận lì xì thì phải nhận bằng cả hai tay, sau đó đem về để dưới gối sau một tuần hoặc mang theo bên mình suốt 16 ngày đầu năm thì mới được mở ra. Một điều cần lưu ý chính là, người Trung Quốc rất coi trọng lễ nghĩa nên vì thế không được mở lì xì ra ngay trước mặt người phát, như thế là thiếu sự tôn trọng đối với họ.

Nhật Bản

Phong tục lì xì ngày Tết tại Nhật Bản
Nhật Bản thường sử dụng phong bì trắng được dán kín và có tên người nhận khi lì xì ngày Tết

Nếu Trung Quốc gọi “hongbao”(红包) là lì xì, thì Nhật Bản lại gọi nó bằng cái tên “Otoshidama”. Thay vì lựa chọn những màu nổi bật làm bao lì xì thì người Nhật Bản lại chọn màu trắng, thể hiện sự bình dị. Điều đặc biệt trong phong tục lì xì ngày Tết của họ chính là phong bao lì xì sẽ luôn được dán kín và ghi tên người nhận lên trên nhằm thể hiện sự kín đáo.

Đài Loan

Lì xì ngày Tết tại Đài Loan
Mệnh giá chẵn là sự chọn hàng đầu của người Đài Loan khi họ lì xì ngày Tết

Tại Đài Loan, việc lì xì ngày Tết cũng có ý nghĩa rất lớn. Họ quan niệm rằng, năm mới mọi thứ đều phải mới, vì thế, họ luôn dùng tiền mới để vào trong bao. Tuy nhiên, mệnh giá họ cho vào sẽ luôn là mệnh giá chẵn bởi vì đối với họ, số chẵn mang ý nghĩa của sự cát tường, may mắn.

Singapore

Phong tục lì xì ngày Tết tại Singapore
Singapore dần hướng phong tục lì ngày Tết của mình từ truyền thống sang hiện đại – lì xì qua điện thoại

Người Hoa sinh sống tại Singapore thường dùng bao lì xì màu đỏ rực rỡ, chứa bên trong là những tờ tiền mới mệnh giá từ 2 cho đến 20 đô Singapore, tượng trưng cho sự may mắn trong năm mới. Ngoài ra, họ còn lì xì cho nhau bằng nhiều vật khác như ngân lượng, ngân phiếu, vé xe tháng,…. Hoặc chỉ đơn giản là các thành viên trong gia đình tụ họp lại, cùng nhau ăn bữa cơm sum vầy. Tuy nhiên, hiện nay, người dân Singapore bắt đầu có xu hướng chuyển dần sang lì xì điện tử.

Hàn Quốc

Lì xì ngày Tết tại Hàn Quốc
Giá trị và phong bì xì lì ngày Tết của người Hàn Quốc rất đa dạng

Tại xứ sở kim chi, lì xì được gọi là “Sabae”. Lì xì nơi đây được xem là đa dạng hơn nhiều quốc gia khác, đôi khi đó là túi quà xinh xắn, đôi khi đó lại là vàng, thậm chí có lúc sẽ là đá quý,… Tuy nhiên, người lớn thì sẽ tặng nhau những món quà đặc trưng như những loại nhân sâm quý hiếm. 

Malaysia

Lì xì ngày Tết tại Malaysia
Người Malaysia theo đạo Hồi thường dùng phong bì xanh lá để lì xì ngày Tết

Khác với nhiều quốc gia trên khu vực châu Á, người Malaysia theo đạo Hồi dù sinh sống, làm việc tại bất cứ đâu đều sẽ lì xì trẻ nhỏ trong nhà vào dịp Tết Hiến sinh (lễ tết Eid al – Fitr được diễn ra vào 11/8 hằng năm). Phong bì của người Malaysia theo đạo Hồi thường là màu xanh lá cây bởi vì nó mang ý nghĩa về tinh thần và sinh mệnh, mong muốn người nhận sẽ có một tinh thần phấn chấn, tươi mới mỗi ngày cũng như cầu cho người nhận sẽ có được sức khỏe dồi, luôn luôn khỏe mạnh.

Kết Luận

Với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội cùng với sự hội nhập không ngừng những nét văn hóa từ nhiều quốc gia, nhiều khu vực, nhiều xứ sở trên khắp thế giới, Việt Nam cho đến ngày nay vẫn lưu giữ được phong tục lì xì ngày Tết chính là điều vô cùng đáng quý và đáng trân trọng. Mua Bán hy vọng rằng bạn sẽ hiểu được giá trị thật sự của bao lì xì là gì để có thể tiếp tục duy trì và lưu giữ văn hóa này cho nhiều thế hệ mai sau. 

Bạn có thể tham khảo thêm: Các món ăn ngày Tết: Ý nghĩa sâu xa, đậm đà bản sắc Việt

 

Nguyễn Xuân Hương
Hello! Mình là Xuân Hương, hiện đang đảm nhận vị trí Content Specialist tại Muaban.net. Mong rằng những bài viết của mình có thể cung cấp những thông tin hữu ích đến bạn. Enjoy your time with Muaban.net!
BÀI VIẾT MỚI NHẤT
spot_img
ĐỪNG BỎ LỠ